Cách kê đơn thuốc Y học cổ truyền

I. NHỮNG PHƯƠNG CÁCH KÊ ĐƠN THUỐC

Sau khi chẩn đoán, người thầy thuốc sẽ căn cứu vào tình trạng bệnh cụ thể mà thiết lập một đơn thuốc điều trị. Đông y thường gọi là biện chứng luận trị (dựa vào bệnh – chứng của người bệnh mà biện luận cách trị liệu). Có nhiều phương pháp kê đơn thuốc trong Đông y.

1. Cổ phương gia giảm – theo lý luận Đông y:
Theo phương pháp này, nội dung bài thuốc là những bài thuốc đã được xác lập, ghi nhận kết quả từ lâu đời qua nhiều thế hệ, được ghi lại trong các sách kinh điển. Khi điều trị người thầy thuốc thường tăng thêm (gia) hoặc giảm bớt (giảm) vị thuốc hay liều dùng sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế của bệnh nhân.
Một ví dụ như để chữa chứng Ngoại cảm phong hàn, biểu thực (có sợ lạnh, phát sốt, không mồ hôi, ngạt mũi, thở suyễn, hoặc ho đờm, đau đầu, đau nhức các khớp, cứng gáy, mạch phù khẩn) thì bài thuốc kinh điển Đông y sử dụng là bài Ma hoàng thang.
– Ưu điểm: thể hiện đầy đủ tính chất lý pháp của Đông y.
– Nhược điểm: khó nhớ, lệ thuộc vào thuốc ngoại nhập, khó vận dụng vì bệnh cảnh có thể thay đổi.

2. Theo đối chứng trị liệu:
Theo phương pháp này, người thầy thuốc cổ truyền chọn thuốc điều trị dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.

Triệu chứng
Thuốc
Sợ lạnh, phát sốt, không đổ mồ hôi, đau nhức tứ chi
Quế chi
Ho, hen đờm suyễn
Tía tô
Đau đầu, cứng gáy, ngạt mũi
Bạch chỉ

– Ưu điểm:
. Đơn giản, linh hoạt trong việc vận dụng các vị thuốc.
. Không phải nhớ nhiều bài thuốc.
– Nhược điểm: do hoàn toàn chạy theo triệu chứng nên dễ sa đà, làm mất tính cân đối trong lý pháp phương dược.

3. Theo kinh nghiệm dân gian:
Phương pháp này sử dụng những kinh nghiệm gia truyền (có khi chỉ là truyền khẩu). Thường gặp trong dân tộc ít người.
Dùng nồi xông với các loại lá có chứa tinh dầu thơm.
– Ưu điểm: dễ sử dụng, vận dụng được nam dược.
– Khuyết điểm: không bảo đảm tính lý pháp của Đông y.

4. Theo toa căn bản:
Nội dung bài thuốc theo toa căn bản được dựa theo kinh nghiệm của quân dân y trong thời gian kháng chiến. Ngoài 10-11 vị thuốc dùng để nhuận tiểu, nhuận gan, nhuậntràng, nhuận huyết, giải độc cơ thể, kích thích tiêu hóa, khai khiếu, việc sử dụng toa căn bản còn gia thêm Quế chi, Tía tô, Hành, Kinh giới, Bạch chỉ.
– Ưu điểm: dễ sử dụng không cần học nhiều, vận dụng được Nam dược.
– Nhược điểm:
. Không thể hiện tính lý pháp của Đông y.
. Đôi khi còn dùng quá nhiều thuốc.

5. Kê đơn theo dược lý tân y:
Trong giai đoạn hiện nay, không chỉ người lương y, thầy thuốc cổ truyền sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên để trị bệnh, mà cả những thầy thuốc Tây y cũng quan tâm ngày càng nhiều. Vì thế, việc thiết lập các toa thuốc điều trị có sử dụng thêm cơ sở dược lý Tây y. Tiêu biểu cho phương pháp này là cách thiết lập bài thuốc do Bùi Chí Hiếu xây dựng (Giáo sư dược lý học).
Bài thuốc chung có gia giảm:
Tía tôBạc hàCúc hoa
Cam thảo đấtKinh giớiCúc tần
Gừng tươi.
– Trong thể phong hàn:
. Bỏ Bạc hà, Cúc hoa (tân lương giải biểu).
. Bỏ Cam thảo đất (Thanh nhiệt giải độc).
– Trong thể phong nhiệt:
. Bỏ Tía tô, Kinh giới, Gừng tươi.
* Ưu điểm: thỏa mãn được yêu cầu điều tri của Đông y cũng như Tây y từ lý pháp đến biện chứng của Đông y cũng như phương pháp điều trị của Tây y.
– Bài thuốc trên vừa đáp ứng được nhu cầu lý pháp của Đông y.
. Phát tán phong hàn: Tía tô, Kinh giới, Gừng tươi.
. Chỉ khái trừđờm: Tía tô, Gừng tươi.
. Tiêu ứ hóa thấp chỉ thống Kinh giới, Cúc tần.
– Lại đáp ứng được yêu cầu điều trị triệu chứng theo Tây y nhờ các hoạt chất thiên nhiên có tác dụng sinh học:
. Tinh dầu có trong Tía tô, Kinh giới, Gừng tươi đều có tác dụng giãn mạch, làm ra mồ hôi, hạ sốt, giãn phế quản và long đờm để giảm ho, hen; lại có tác dụng sát trùng đường hô hấp để trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc để chống bội nhiễm.
* Nhược điểm: khó vận dụng, đòi hỏi phải có một trình độ tinh thông về y lý, dược lý của cả Đông và Tây y.

II. NHỮNG NỘI DUNG QUAN TRỌNG TRONG CÁCH KÊ ĐƠN THUỐC THEO LÝ LUẬN ĐÔNG Y

1. Vai trò của các vị thuốc trong một đơn thuốc (quân, thần, tá, sứ):
Việc cấu tạo các vị thuốc trong một bài thuốc nhằm để giải quyết những yêu cầu đặt ra trong điều trị như sau:
– Giải quyết những triệu chứng chính, những triệu chứng thuộc về nguyên nhân gây bệnh, những triệu chứng do tạng bệnh chính thể hiện.
– Giải quyết những triệu chứng phụ, những triệu chứng do tạng phủ có quan hệ (biểu lý hoặc ngũ hành) với tạng phủ bị bệnh thể hiện.
– Tăng hoạt tính của vị thuốc chính.
– Đưa các vị thuốc chính đến tạng phủ, kinh lạc bị bệnh.
– Điều hòa tính năng của các vị thuốc.
Do đó các vị thuốc thường đóng những vai trò sau đây:
+ QUÂN (Chủ dược): là đầu vị trong bài thuốc dùng để chữa triệu chứng chính, do nguyên nhân bệnh gây ra, do tạng bệnh chính thể hiện.
+ THẦN (Phó dược): là những vị thuốc có tác dụng hợp đồng và hỗ trợ cho chủ dược.
+ Tá (Tá dược): là những vị thuốc để chữa các triệu chứng phụ hoặc ức chế độc tính hoặc tính mạnh bạo của chủ dược.
+ Sứ (Dẫn dược): là những vị thuốc để đưa các vị thuốc khác đến thẳng tạng phủ bệnh hoặc điều hòa các vị thuốc khác tính năng.
Quân, Thần, Tá, Sứ đó cũng là cách nói của người xưa dưới chế độ phong kiến. Coi triều đình có vua, có quan thì đơn thuốc cũng phải có vị chính, vị phụ, vị nào chủ yếu, vị nào hỗ trợ.
Lấy Ma hoàng thang làm ví dụ. Đây là bài thuốc dùng chữa chứng cảm mạo phong hàn với cáctriệu chứng phát sốt, sợ lạnh, không có mồ hôi, ngạt mũi, thở khò khè, đau đầu, cứng gáy, đau nhức các khớp, mạch phù khẩn.
– Ma hoàng: cay ấm vào Phế, có tác dụng phát hãn, bình suyễn. Do phong hàn phạm Phế làm cho Phế khí bất tuyên thông, bất túc giáng nên có triệu chứng phát sốt, không có mồ hôi, thở suyễn, ngạt mũi. Vì vậy, Ma hoàng phải làm chủ dược, làm Quân.
– Quế chi: cay ấm vào Phế, Bàng quang, có tác dụng ôn kinh chỉ thống và lại phát tán phong hàn. Do phong hàn tà làm bế tắc kinh lạc mà gây thành chứng đau đầu, cứng gáy, đau nhức các khớp xương. Quế chi phối hợp với Ma hoàng để phát tán phong hàn lại vừa ôn kinh chỉ thống, giải quyết triệu chứng phụ. Vì vậy Quế chi là phó dược, làm Thần.
– Hạnh nhân: đắng ấm vào Phế, Đại trường, vừa có tác dụng chữa ho, hen do phong hàn ngăn trở Phế khí, vừa phối hợp với Ma hoàng chữa thở suyễn nên làm phó dược, làm Thần.
– Cam thảo bắc: ngọt bình vào 12 kinh, để giảm bớt tính công phạt của Ma hoàng nên là dẫn dược, làm Sứ.
Chú ý: các vị thuốc dẫn kinh làm sứ là thuốc đưa thuốc khác đến với bộ vị bị bệnh như:
+ Phòng phong và Khương hoạt dẫn vào Thái dương kinh.
+ Thăng ma, Cát căn và Bạch chỉ dẫn vào Dương minh kinh.
+ Sài hồ dẫn vào Thiếu dương kinh.
+ Thương truật dẫn vào Thái âm kinh.
+ Độc hoạt dẫn vào Thiếu âm kinh.
+ Tế tân, Xuyên khung và Thanh bì dẫn vào Quyết âm kinh.
+ Cát cánh dẫn lên Yết hầu.
+ Tang chi dẫn ra hai tay.
+ Ngưu tất dẫn xuống hai chân.
Nói tóm lại, sự cấu tạo bàithuốc theo Quân Thần Sứ được phân thành hai nhóm:
– Nhóm chữa triệu chứng bệnh.
– Nhóm điều hòa tính năng hoặc/và dẫn kinh cho nhóm trên.

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến vị trí của vị thuốc trong bài thuốc:
Trong thực tế điềutrị, ngườithầy thuốc Đông y còn phải chú ý đến những nguyên tắc sau đây để quyết định vị trí của thuốc trong từng bài thuốc.
a. Tiêu bản hoãn cấp:
– Cấp thì trị Tiêu: ví dụ: tiêu chảy ra máu cấp tính do Thấp nhiệt làm bức huyết ở Đại trường thì thuốc nào cầm máu sẽ làm Quân, thuốc nào quy kinh Đại trường mà thanh nhiệt trừ thấp sẽ làmThần.
– Hoãn thì trị Bản: ví dụ: thường xuyên đi cầu ra máu do Tỳ dương hư không thống nhiếp huyết, bệnh không cấp tính thì thuốc kiện Tỳ làm Quân, thuốc cầm máu thì làm Thần.
b. Chú ý đến trạng thái Hư, Thực của bệnh nhân:
Nếu người có bẩm tố dương hư mà cảm mạo thương hàn thì thuốc bổ dương khí làm Quân, mà thuốc phát tán phong hàn sẽ làm Thần.
c. Chú ý đến phương pháp Đóng Mở trong điều trị:
– Nếu người có chứng âm hư sinh nội nhiệt thì thuốc bổ âm làm Quân và thuốc tiết nhiệt sẽ làmThần.
– Hoặc ở bệnh nhân tiêu chảy và tiểu ít thì thuốc cầm tiêu chảy sẽ là Quân và thuốc lợi thủy sẽ làmThần (lợi thủy để chỉ tả).
d. Chú ý đến giai đoạn bệnh (dành cho các bệnh truyền nhiễm):
– Ở giai đoạn khởi phát thì tà khí ở phần Vệ, nên các thuốc có tác dụng phát hãn sẽ làm Quân.
– Ở giai đoạn toàn phát tà khí và chính khí đấu tranh quyết liệt, lúc đó phải giữ vững chính khí trừ tà khí, thì thuốc bổ chính khí sẽlà Quân, thuốc trừ tà khí sẽ là Thần.
– Ở giai đoạn hồi phục thì chính khí bị hao tổn, do đó thuốc bổ chính khí sẽ làm Quân.
e. Chú ý đến nguyên nhân gây bệnh:
* Trong điều trị các bệnh lý do ngoại nhân gây nên (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa)
– Vai trò của các vị thuốc trong trường hợp này được chú ý đến luật âm dương. Việc phối hợp thuốc tập trung giải quyết chủ chứng (chứng trạng chủ yếu của bệnh lý ấy). Nguyên do bệnh ngoại cảm là bệnh mới mắc, bệnh chưa diễn tiến lâu dài nên chưa có điều kiện làm rối loạn các công năng tạng phủ khác theo qui luật ngũ hành.
Những ví dụ về cách tập họp vị thuốc trong bệnh lý do ngoại nhân gây nên.
– Điều trị chứng Quyết âm nhiệt quyết: Pháp trị: Tư âm thanh nhiệt. Bài thuốc kinh điển: Hoàng liên A giao thang.

Vai trò các vị thuốc
Tên vị thuốc
Tác dụng
QUÂN
A giao
Bạch thược
Tư âm
THẦN
Hoàng liên
Hoàng cầm
Thanh nhiệt

– Điều trị chứng Quyết âm hàn quyết. Pháp trị: Hồi dương ôn lý. Bài thuốc kinh điển: Tứ nghịch thang.

Vai trò các vị thuốc
Tên vị thuốc
Tác dụng
QUÂN
Phụ tử
Hồi dương ôn lý
THẦN
Can khương
Hồi dương – ôn lý
SỨ
Cam thảo

* Trong điều trị các bệnh lý do nội nhân, các bệnh nội thương gây nên:
– Trong nhóm này, vai trò của các vị thuốc được xác lập theo luật ngũ hành sinh khắc rất chặt chẽ như thuốc chữa bệnh chứng Thận âm hư phải có vị thuốc bổ Can âm và vị thuốc tả Can, Tâm hỏa; thuốc chữa chứng Tâm dương hư luôn có vị thuốc bổ Thận dương và Tỳ dương. Những ví dụ về cách tập hợp vị thuốc trong điều trị những bệnh lý do nội nhân, các bệnh nội thương gây nên.
– Bài thuốc Lục vị chữa chứng Thận âm hư:

Vai trò các vị thuốc
Tên vị thuốc
Tác dụng
QUÂN
Thục địa
Sơn thù
Bổ Thận âm
Bổ Can Thận âm
THẦN
Hoài sơn
Phục linh
Bổ ÂM
(kiện Tỳ sinh tân hậu thiên)
Đơn bì
Trạch tả
Phục linh
Tả Can hỏa
Thanh tiết Bàng quang

– Bài thuốc Chân vũ thang chữa chúng Tỳ Thận dương hư:

Vai trò các vị thuốc
Tên vị thuốc
Tác dụng
QUÂN
Phụ tử
Hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương
QUÂN
Bạch thược
Dưỡng huyết, liễm âm, lợi tiểu, nhuận gan
THẦN
Can khương
Ôn dương tán hàn, hồi dương thông mạch
THẦN
Bạch truật
Kiện Vị, hòa trung, táo thấp
Phục linh
Bổ Tỳ, định Tâm

 

III. SỰ PHỐI NGŨ CÁC VỊ THUỐC TRONG MỘT ĐƠN THUỐC
Mục đích của sự phối ngũ các vị thuốc là để tăng tác dụng, tăng hiệu quả các vị chủ dược, để giảm tác dụng phụ, giảm độc tính các vị thuốc nhất là chủ dược và sau cùng là để tránh làm mất hiệu quả thuốc hoặc làm tăng độc tính hơn. Có những loại phối ngũ sau.
– Tương tu: hai vị thuốc có cùng tác dụng hỗ trợ kết quả cho nhau. Ví dụ: Ma hoàng và Quế chi cùng tính vị cay ấm, cùng tính năng phát tán phong hàn (Ma hoàng thang) làm ra mồ hôi.
– Tương sử: hai vị thuốc trở lên, tác dụng có khi khác nhau, một thứ chính, một thứ phụ, dùng để nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Ví dụ: trong bài Ma hoàng thang có Ma hoàng và Hạnh nhân, Ma hoàng là phát tán phong hàn để tuyên thông Phế khí; Hạnh nhân chữa ho, trừ đờm cũng để tuyên thông Phế khí. Cả hai cùng phối hợp nhau để chữa hen suyễn.
Tương tu và Tương sử được xem như là cách phối hợp để làm hiệu quả điều trị cao hơn (synergique). Thường dùng cho các thuốc làm quân, làm thần.
– Tương úy: là sử dụng một loại thuốc để làm giảm tác dụng phụ của một vị thuốc khác.
. Lưu hoàng úy Phác tiên
. Thủy ngân úy Phê sương
. Lang độc úy Mật đà tăng
. Ba đậu úy Khiên ngưu
. Đinh hương úy Uất kim
. Nha tiêu úy Tam lăng
. Ô đầu úy Tê giác
. Nhâm sâm úy Ngũ linh chi
. Nhục quế úy Xích thạch chi
– Tương sát: là sử dụng một loại thuốc để làm giảm độc tính của một số vị thuốc khác. Ví dụ Đậu xanh với Ba đậu.
Tương úy và Tương sát thường dùng cho các thuốc làm Tá dược hoặc Sứ dược. Ví dụ Cam thảo bắc trong bài Ma hoàng thang.
– Tương ố: việc sử dụng một loại thuốc này sẽ làm mất tác dụng của một số thuốc khác. Ví dụ Hoàng cầm dùng chung với Sinh khương.
– Tương phản: sử dụng một số thuốc sẽ làm tăng độc tính một vị thuốc khác. Ví dụ ô đầu dùng chung với Bán hạ.
Tương ố và Tương phản thường để nói lên sự cấm kỵ trong khi kê đơn, trong đó Tương ố là chất đối kháng (antagonist).

IV. SỰ CẤM KỴ TRONG KHI DÙNG THUỐC

1. Trong khi có thai cấm dùng:
– Ba đậu (tả hạ).
– Khiên ngưu, Đại kích, Thương lục (trục thủy).
– Tam thất (hoạt huyết).
– Sạ hương (phá khí).
– Nga truật, Thủy điệt, Manh trùng (phá huyết).

2. Trong khi có thai, thận trọng khi dùng:
– Đào nhân, Hồng hoa (hoạt huyết).
– Bán hạ, Đại hoàng (tả hạ).
– Chỉ thực (phá khí).
– Phụ tử, Can khương, Nhục quế (đại nhiệt).

3. Các vị thuốc tương phản với nhau:
– Cam thảo bắc phản Cam toại, Nguyên hoa, Hải tảo.
– Ô đầu phản Bối mẫu, Bán hạ, Bạch cập, Bạch liễm.
– Lê lô phản Sâm, Tế tân, Bạch thược.

4. Cấm kỵ trong khi uống thuốc:
– Cam thảo bắc, Hoàng liên, Cát cánh, Ô mai kiêng thịt lợn.
– Bạc hà kiêng Ba ba.
– Phục linh kiêng dấm.
– Dùng các thuốc ôn trung trừ hàn kiêng đồ ăn sống lạnh.
– Dùng các thuốc kiện Tỳ tiêu đạo kiêng chất béo, tanh, nhờn.
– Dùng các thuốc an thần định chí kiêng chất kích thích.

nguồn: benhhoc.com

Bài học liên quan

Bài học xem nhiều