Đại từ nhân xưng trong tiếng Nhật

Đại từ nhân xưng trong tiếng Nhật

Phần I: đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất

Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Nhật phần lớn là từ chức năng, nhất là trong tiểu thuyết, Anime hay Manga. Từ chức năng (yakuwari-go) là khái niệm do nhà ngôn ngữ học Kinsui Satoshi đề xuất, chỉ cách sử dụng từ ngữ nhằm gợi lên đặc điểm, phong cách, tuổi tác hay nghề nghiệp của người nói. Các đại danh từ trong bài này sẽ được nhóm theo tính chất của chúng, như phổ thông, lịch sự, lễ phép, cổ phong,….. (bao gồm cả từ địa phương). Và tất cả những từ này đều mang nghĩa chỉ về người nói, tôi, tao, tui, tau, tớ,….
Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Nhật có đặc điểm là cùng một chữ Hán nhưng tùy trường hợp mà đọc khác nhau và do đó, sắc thái cũng khác nhau.

Nhóm từ cổ phong: là những đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất được sử dụng thời cổ, hiện tại không còn dùng (trừ một vài trường hợp). Những từ này mang hơi hướng cổ trang, kiếm hiệp, giang hồ…

+ Wagahai (我輩, 吾輩, 我が輩, 吾が輩): mang tính tôn đại, trịnh trọng. Từ này nổi tiếng nhờ tác phẩm của văn Natsume Sōseki là “Wagahai wa neko dearu” (tôi là con mèo).

+ Soregashi (某): được nam giới thời trung cổ sử dụng, ban đầu mang tính khiêm nhường, sau mang tính trịnh trọng. Chủ yếu được các võ sĩ thời Chiến quốc sử dụng. Lưu ý là 某 còn có nhiều âm đọc khác như kure, nanigashi là đại từ nhân xưng không xác định chỉ người không biết tên.

+ Chin (朕): âm Hán Việt là “trẫm”, được bậc Đế Vương Trung Hoa thời cổ sử dụng để tự xưng. Tại Nhật, từ này còn thấy trong các công văn của Thiên Hoàng nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, từ này dần dà ít được dùng hơn. Thiên Hoàng hiện tại dùng watakushi để tự xưng. Trước chiến tranh, chin chỉ được dùng trong công văn và khi đọc trước đám đông, còn khi nói chuyện thì Thiên Hoàng Shōwa vẫn tự xưng là watashi.

+ Maro (麻呂, 麿): thời cổ, từ này được sử dụng trong tên của nam giới (như nhà thơ Kakinomoto Hitono-maro, 柿本人麻呂, thời Asuka) nhưng sau thời Heian thì nó chuyển thành đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, không phân biệt nam nữ. Hiện nay từ này chỉ còn thấy trong tiểu thuyết, là từ tự xưng của các công hầu.

+ Ware, Wa (我・吾): hiện tại không còn sử dụng trong văn nói mà chỉ thấy ở một số công văn mang tính chất trịnh trọng. Hiện tại nó còn được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong tiếng địa phương vùng Kansai và dần mất đi cùng với nền giáo dục chuẩn sau thời Meiji. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thấy những cách biểu hiện như waga-ie (我が家, nhà tôi), waga-kuni (我が国, nước ta) nhưng không mang tính trịnh trọng như vốn có của nó.

+ Yo (余, 予): được sử dụng sau thời Heian. Trước Đệ nhị Thế chiến, từ này được dùng không phân biệt thân phận vai vế nhưng sau chiến tranh, từ này chủ yếu được các đấng quân vương, phiên chúa sử dụng trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử, võ hiệp…
Vd: một câu nổi tiếng của văn hào Nakazato Kaizan: 余は大衆作家にあらず (yo wa taishū sakka ni arazu): tôi không phải là nhà văn viết tiểu thuyết đại chúng.
Vd2: 余は力によって国を興した (trẫm chấn hưng đất nước bằng vũ lực)

+ Shōsei (小生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là “tiểu sinh” và từ này vẫn được sử dụng tại Việt Nam vài chục năm trước.

+ Gojin (吾人): được nam giới dùng trong thư văn thời cổ, nay ít dùng.

+ Gusei (愚生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là “ngu sinh”.

+ Asshi (あっし): được nam nữ bình dân hạ tiện sử dụng, được cho là biến thể của atashi.

+ Achiki (あちき): được các du nữ sử dụng để che giấu xuất thân của mình. Các du nữ còn dùng asshi và achishi để tự xưng nhưng thực ra achishi chỉ thấy trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp…

+ Wacchi (わっち): giống như achiki, đây là từ tự xưng của các du nữ, hiện tại không còn dùng. Tuy nhiên, trong tiếng địa phương vùng Mino thì từ này cũng được dùng để tự xưng, bất luận nam nữ.

+ Warawa (妾): từ tự xưng của nữ giới, bắt nguồn từ chữ 童 (warawa, warabe, “đồng” trong “nhi đồng”), mang ý nhún nhường rằng mình là kẻ ấu trĩ như trẻ nít. Hiện tại, từ này thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử và được Vương phi, Nữ vương sử dụng.

+ Sessha (拙者): từ độc chiếm của các võ sĩ Samurai thời cổ, dùng để tự xưng với ý khiêm nhường. Âm Hán Việt là “chuyết giả” và người Việt ngày xưa vẫn dùng để nói về mình. Từ “chuyết” mang nghĩa vụng về, ngu độn nên thường được dùng như tiếp đầu ngữ đi liền với nhiều từ sau, hình thành nên ý khiêm nhường, như “chuyết tác” (sessaku) chỉ tác phẩm do mình làm ra, mang ý khiêm tốn. Nhân vật Himura Kenshin trong bộ Manga Rurōni Kenshin luôn tự xưng là sessha.

+ Gusō (愚僧): âm Hán Việt là “ngu tăng”, thầy chùa ngốc. Đây là từ tự xưng của giới tăng lữ, tu sĩ, tương đương với “bần tăng” trong tiếng Việt. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.

+ Sessō (拙僧): âm Hán Việt là “chuyết tăng”, tương tự như Gusō. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.

+ Midomo (身ども): từ tự xưng của võ sĩ (nam giới) với người đồng đẳng hay vai vế thấp hơn.

+ Yatsugare (僕), Temae (手前): mang nghĩa là bản thân mình. Hiện tại, trong văn thư thường thấy temae-domo (手前ども) ý nghĩa như kochira. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp thì temae là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.

+ Kochihito, Kochito (此方人): mang nghĩa đen là “người ở đây”, “người này”. Kochito là biến thể của kochihito. Hai từ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, dùng được cả số ít lẫn số nhiều.

+ Konata (此方), Kochitora (此方人等): konata mang nghĩa như kochira nhưng mang sắc thái gần gũi về mặt tâm lý hay khoảng cách, chủ yếu được nữ giới trong tầng lớp võ sĩ, công hầu quý tộc sử dụng. Dùng được với cả số ít lẫn số nhiều. Hiện tại cả hai từ này đều không còn dùng, ngoại trừ trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp.

Nhóm từ phổ thông

+ Watashi (私): là đại danh từ ngôi thứ nhất được người Nhật sử dụng nhiều nhất và là cách nói gọn của watakushi. Từ này thường được dịch là “tôi” trong tiếng Việt. Từ sau thời cận đại, watakushi được lược bỏ “ku” và trở thành watashi, thường được phụ nữ sử dụng. Ngày nay, watashi được cả nam và nữ sử dụng. Trong chốn công cộng, nam giới dùng watashi hay watakushi để nói về mình được coi là hợp phép tắc. Ban đầu, từ 私 được chua cách đọc trong bảng chữ Hán thường dùng là watakushi, còn trong các công văn hành chính thì từ watashi được viết bằng Hiragana (わたし) chứ không viết bằng Hán tự. Nhưng đến năm 2011 thì 私 chính thức được thừa nhận cách đọc trong bản Hán tự thường dùng là watashi.

+ Watakushi (私): dạng đầy đủ của watashi, thường được sử dụng khi phát ngôn trước công chúng. Đặc biệt, trong các bài diễn thuyết của Hoàng gia Nhật, từ này luôn được sử dụng. Trước thời Muromachi thì từ này không được sử dụng như đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất nhưng sau đó nó được dùng như ngày nay.

+ Boku (僕): được nam giới sử dụng và mang tính chất riêng tư về mình khi nói chuyện với người đồng đẳng hoặc vai vế thấp hơn hay khi thể hiện sự thân thiết với người nghe. Trong một số trường hợp cần nghi thức, nó vẫn được chấp nhận. Âm Hán Việt của từ này là “bộc” (trong nô bộc). Thời cổ, 僕 được phát âm là yatsugare, nhưng từ thời Meiji trở đi, tầng lớp thư sinh, học sinh đọc từ này là boku và sử dụng như ngày nay.

+ Jibun (自分): vốn mang nghĩa là tự mình, bản thân mình và được nam giới trong ngành thể dục thể thao dùng để chỉ về mình. Trong loạt phim truyền hình “cảnh sát miền Tây” (seibu keisatsu), nam tài tử chính Watari Tetsuya dùng từ jibun để chỉ về mình và từ đó từ này trở nên phổ biến trong dân chúng. Trong văn viết, thỉnh thoảng cũng thấy jibun xuất hiện trong vai trò đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và cả nữ giới cũng sử dụng nhưng trong công văn chính thức, lễ nghi thì không sử dụng. Tại vùng Kansai thì jibun được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.

Nhóm từ thân mật

+ Ore (俺): được nhiều nam giới sử dụng đối với người đồng đẳng hay vai vế thấp hơn mình, mang tính thân mật hay cọc cằn. Về sắc thái, từ này tương đương với “tao” trong tiếng Việt và không được sử dụng khi đứng trước đám đông, phát biểu trong hội nghị. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thanh nhiên sử dụng từ này trong những tình huống cần lễ nghi trang trọng. Ore là từ biến đổi của onore (己), trước thời Kamakura, nó là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai nhưng về sau trở thành ngôi thứ nhất. Đến thời Edo, nó được cả nam nữ, không phân biệt sang hèn đều sử dụng. Nhưng sau thời Meiji thì nó trở thành từ độc chiếm của nam giới, ngoại trừ vùng Đông Bắc vẫn còn sử dụng nó như một từ địa phương.

+ Washi (儂, 私): thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh và được nam giới lớn tuổi sử dụng. Thời cận đại, nữ giới vẫn dùng từ này với đối phương trong trường hợp thân thiết, nhưng ngày nay nó trở thành từ độc chiếm của nam giới khi nói với người đồng đẳng hoặc kém vai vế. Washi còn là từ địa phương tại các tỉnh Aichi, Gifu và phía Tây vùng Hokuriku, nam giới không nhiều tuổi cũng sử dụng từ này. Tại những vùng này thì thanh niên, trẻ con cũng sử dụng washi để chỉ bản thân, nhưng gần đây do ảnh hưởng của phương tiện truyền thông mà giới trẻ đã chuyển sang dùng “ore”.

+ Atashi (あたし): cách nói biến âm mang tính suồng sả của watakushi, ngày nay thường được nữ giới sử dụng trong tình huống thân mật. Trong những tình huống trang trọng, nữ giới vẫn phát âm rõ ràng là watashi. Atashi ban đầu được nam nữ lưỡng dụng, nhất là trong giới thương nhân và thợ thủ công, nhưng về sau trở thành từ độc chiếm của nữ giới. Ngày nay, các diễn viên kể chuyện hài Rakugo vẫn sử dụng từ này. Sắc thái từ này tương tợ “tôi” thành “tui” trong tiếng Việt.

+ Atai (あたい): thể biến âm và suồng sả hơn của atashi. Đây là từ độc chiếm của nữ giới và mang sắc thái cộc cằn, được phụ nữ và trẻ nhỏ ở Tōkyō sử dụng. Hiện tại, trong thường nhật hầu như không còn ai sử dụng từ này mà chỉ còn thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh và trong tiếng địa phương ở Kagoshima.

+ Watai (わたい): biến âm của watashi, tương tự như atai.

+ Wai, Wate, Ate (わい, わて, あて): được sử dụng ở vùng Kinki từ sau thời cận đại. Wai là từ rút gọn của washi, là từ độc chiếm của nam giới còn wate là dạng rút gọn của watai, ate lại là dạng rút gọn hơn nữa từ wate. Ate, Wate được dùng nhiều ở Kyōto không phân biệt nam phụ lão ấu. Ngày nay, chỉ còn một số ít người già vẫn còn sử dụng những từ này.

+ Wadasu (わだす): cách nói trại của watashi của miền Đông Bắc.

+ Adasu, Wasu (あだす, わす): cách nói trại của atashi, washi ở miền Đông Bắc.

+ Uchi (うち): được nữ giới miền Tây sử dụng nhiều. Tại Kyūshū (một phần), cả nam nữ đều dùng uchi để chỉ về mình.

+ Oira (己等): được nam giới sử dụng, mang tính địa phương. Khi làm nũng, cả nam và nữ đều dùng oira để chỉ về mình. Có những cách viết như 俺等 (đọc theo nguyên tắc là orera), 俺ら cũng đọc là oira nên rất dễ nhầm với orera (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều, bọn tao, chúng tao) nên gần đây không được sử dụng. Lưu ý là từ 己等 còn có cách đọc là u’nura, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, bọn mày, lũ chúng bây, lũ chúng mày, tụi bây…

+ Ora (俺ら): phái sinh từ oira, được sử dụng nhiều ở phía Bắc vùng Kantō.

+ Oi, oidon (おい, おいどん): được nam giới ở Kyūshū sử dụng, nhất là phía Nam vùng này. Trong hội thoại thường nhật, nam giới trẻ tuổi tự xưng là oi, còn nam giới có tuổi và trong số những người sinh trước Đệ nhị Thế chiến, phụ nữ vẫn dùng oidon khi tự xưng. Oi còn được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, mang nghĩa “you”.
Khi gặp đám đánh nhau, cảnh sát thường nộ: oi! Kora! (おい!こら!). Thực chất câu này có nghĩa là: “này anh, chuyện gì vậy?” theo đúng nghĩa của vùng Kyūshū. Đầu thời Meiji, nhiều võ sĩ phiên Satsuma (thuộc vùng Kyūshū) được tuyển làm cảnh sát và họ vẫn thường hỏi câu này khi gặp đám đánh nhau. Dần dà, câu này trở nên phổ cập và mang ý nghĩa cảnh cáo, răn đe như ngày nay.

+ Ura (うら): từ địa phương của vùng Hokuriku, chủ yếu do nam giới sử dụng. Ngày xưa nữ giới cũng dùng ura để chỉ về mình.

+ Wa, Waa (わ, わー): từ địa phương vùng Tsugaru, nam nữ đều dùng. Tại tỉnh Ehime, từ này chủ yếu do nam giới có tuổi sử dụng và có khi là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. Từ này được cho là biến thể của ware (ngã).

+ Wan, Waa (ワン, ワー): từ địa phương Okinawa, chủ yếu do nam giới dùng. Nữ giới Okinawa, nhất là người có tuổi thường sử dụng tên mình để chỉ về mình. Trong bài hát “Shimauta” của nhóm The Boom có câu: “wanku nu nadagwa” (わんくぬなだぐぁ) nghĩa là: nước mắt của tôi.

+ Bokuchan, bokuchin (ぼくちゃん, ぼくちん): từ được bé trai sử dụng khi làm nũng hay bông đùa.

+ Orecchi (おれっち): biến thể của ore, kiểu nói này do người sinh ra và được nuôi dưỡng ở Edo (Tōkyō thời cổ) sử dụng. Nó còn là biến thể của oretachi, ngôi thứ nhất số nhiều, mang nghĩa chúng ta, bọn ta. Orecchi thường được sử dụng tại trung tâm tỉnh Shizuoka.

+ Khuynh hướng trường âm: là khuynh hướng kéo dài âm a của các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, chẳng hạn: oryaa (おりゃあ), bokā (ぼかぁ), watashā (わたしゃ), atashā (あたしゃ), washā (わしゃあ), orā (おらぁ). Những từ này tương tự đại từ nguyên bản của chúng đi kèm với trợ từ.
Ví dụ: わたしの、わたしは、わたしが thành わたしゃ
Một câu trong bài hát “Itako no hanayome-san” (cô dâu vùng Itako): わたしゃ潮来の  水育ち (tôi là con người vùng sông nước)

Nhóm từ khiêm tốn

+ Watashime, Watakushime (私め): tiếp vĩ ngữ me mang ý nhún nhường để chỉ về bản thân. Watashime thường được các hầu gái sử dụng đối với chủ nhân.

+ Watakushi-domo (私ども): từ khiêm nhường chỉ bản thân hay gia đình, đoàn thể của mình. Như temae-domo.

Nhóm từ ngạo mạn, bố láo

+ Oresama (俺様): ore có thể dịch là “tao”, tiếp vĩ ngữ “sama” đi sau danh từ mang ý kính trọng danh từ đứng trước, tương tự ngài X, ngài Y trong tiếng Việt hay Mr. A, Mr. B. Khi cả ore đi chung với sama thì người nói tỏ ra ngạo mạn xấc xược.

+ Atakushi: thể cộc cằn của watashi, thường thấy ở các nhân vật tiểu thơ cao kỳ (tục gọi là “chảnh”) hay các nhân vật ưa lấy thịt đè người trong tiểu thuyết. Trường hợp này thường đi chung với nhiều kính ngữ giản lược để hình thành sắc thái châm chọc, cộc cằn trong câu nói.

Nhóm từ dùng trong công việc

+ Shōshoku (しょうしょく), Tōhō (当方): dùng để chỉ về người nói hoặc đoàn thể, tổ chức mà người nói thuộc về và mang sắc thái trịnh trọng. Các cấp bậc trong công ty khi trao đổi thư từ với nhau cũng dùng từ này để chỉ về mình.

+ Sakusha (作者): âm Hán Việt là “tác giả”. Đơn thuần là các nhà văn có khi dùng từ này để nói mình.

+ Sensei (先生): thông thường từ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai được sử dụng đối với người làm nghề giáo, bác sĩ, họa sĩ Manga,…. Nhưng ngược lại, những người này (bác sĩ, giáo viên) cũng dùng như ngôi thứ nhất chỉ về mình khi nói với học sinh, bệnh nhân.

+ Honkan (本官): âm Hán Việt là “bản quan”. Ai coi nhiều phim Bao Công sẽ biết (^^). Từ này được giới cảnh sát, sĩ quan, thầy phán dùng chỉ về mình.

+ Honshoku (本職): được giới thầy cãi, thầy kiện sử dụng. Cũng có khi dùng Shōshoku, tōshoku (当職).

+ Henshūshi (編集子), Hissha (筆者): được những người đăng bài trên báo, tạp chí sử dụng chỉ về mình.

+ Tōkyoku (当局): được các đài phát thanh tư nhân sử dụng trong hội thoại, văn thư khi liên lạc với nhau.

+ Kochira (こちら): mang nghĩa đen “đây là…”, được các đài phát thanh tư nhân sử dụng. Ban đầu, khi liên lạc điện tín thường nói kochira cùng với tên mình, chẳng hạn: kochira Yamada (đây là Yamada). Về sau, lối nói này trở thành thói quan khi liên lạc điện thoại, điện báo.

Nguồn: Japanest

Bài học liên quan

Bài học xem nhiều