Nhóm từ cổ phong đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất

Nhóm từ cổ phong: là những đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất được sử dụng thời cổ, hiện tại không còn dùng (trừ một vài trường hợp). Những từ này mang hơi hướng cổ trang, kiếm hiệp, giang hồ…

Wagahai (我輩, 吾輩, 我が輩, 吾が輩): mang tính tôn đại, trịnh trọng. Từ này nổi tiếng nhờ tác phẩm của văn Natsume Sōseki là “Wagahai wa neko dearu” (tôi là con mèo).

Soregashi (某): được nam giới thời trung cổ sử dụng, ban đầu mang tính khiêm nhường, sau mang tính trịnh trọng. Chủ yếu được các võ sĩ thời Chiến quốc sử dụng. Lưu ý là 某 còn có nhiều âm đọc khác như kure, nanigashi là đại từ nhân xưng không xác định chỉ người không biết tên.

Chin (朕): âm Hán Việt là “trẫm”, được bậc Đế Vương Trung Hoa thời cổ sử dụng để tự xưng. Tại Nhật, từ này còn thấy trong các công văn của Thiên Hoàng nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, từ này dần dà ít được dùng hơn. Thiên Hoàng hiện tại dùng watakushi để tự xưng. Trước chiến tranh, chin chỉ được dùng trong công văn và khi đọc trước đám đông, còn khi nói chuyện thì Thiên Hoàng Shōwa vẫn tự xưng là watashi.

Maro (麻呂, 麿): thời cổ, từ này được sử dụng trong tên của nam giới (như nhà thơ Kakinomoto Hitono-maro, 柿本人麻呂, thời Asuka) nhưng sau thời Heian thì nó chuyển thành đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, không phân biệt nam nữ. Hiện nay từ này chỉ còn thấy trong tiểu thuyết, là từ tự xưng của các công hầu.

Ware, Wa (我・吾): hiện tại không còn sử dụng trong văn nói mà chỉ thấy ở một số công văn mang tính chất trịnh trọng. Hiện tại nó còn được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong tiếng địa phương vùng Kansai và dần mất đi cùng với nền giáo dục chuẩn sau thời Meiji. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thấy những cách biểu hiện như waga-ie (我が家, nhà tôi), waga-kuni (我が国, nước ta) nhưng không mang tính trịnh trọng như vốn có của nó.

Yo (余, 予): được sử dụng sau thời Heian. Trước Đệ nhị Thế chiến, từ này được dùng không phân biệt thân phận vai vế nhưng sau chiến tranh, từ này chủ yếu được các đấng quân vương, phiên chúa sử dụng trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử, võ hiệp…
Vd: một câu nổi tiếng của văn hào Nakazato Kaizan: 余は大衆作家にあらず (yo wa taishū sakka ni arazu): tôi không phải là nhà văn viết tiểu thuyết đại chúng.
Vd2: 余は力によって国を興した (trẫm chấn hưng đất nước bằng vũ lực)

Shōsei (小生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là “tiểu sinh” và từ này vẫn được sử dụng tại Việt Nam vài chục năm trước.

Gojin (吾人): được nam giới dùng trong thư văn thời cổ, nay ít dùng.

Gusei (愚生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là “ngu sinh”.

Asshi (あっし): được nam nữ bình dân hạ tiện sử dụng, được cho là biến thể của atashi.

Achiki (あちき): được các du nữ sử dụng để che giấu xuất thân của mình. Các du nữ còn dùng asshi và achishi để tự xưng nhưng thực ra achishi chỉ thấy trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp…

Wacchi (わっち): giống như achiki, đây là từ tự xưng của các du nữ, hiện tại không còn dùng. Tuy nhiên, trong tiếng địa phương vùng Mino thì từ này cũng được dùng để tự xưng, bất luận nam nữ.

Warawa (妾): từ tự xưng của nữ giới, bắt nguồn từ chữ 童 (warawa, warabe, “đồng” trong “nhi đồng”), mang ý nhún nhường rằng mình là kẻ ấu trĩ như trẻ nít. Hiện tại, từ này thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử và được Vương phi, Nữ vương sử dụng.

Sessha (拙者): từ độc chiếm của các võ sĩ Samurai thời cổ, dùng để tự xưng với ý khiêm nhường. Âm Hán Việt là “chuyết giả” và người Việt ngày xưa vẫn dùng để nói về mình. Từ “chuyết” mang nghĩa vụng về, ngu độn nên thường được dùng như tiếp đầu ngữ đi liền với nhiều từ sau, hình thành nên ý khiêm nhường, như “chuyết tác” (sessaku) chỉ tác phẩm do mình làm ra, mang ý khiêm tốn. Nhân vật Himura Kenshin trong bộ Manga Rurōni Kenshin luôn tự xưng là sessha.

Gusō (愚僧): âm Hán Việt là “ngu tăng”, thầy chùa ngốc. Đây là từ tự xưng của giới tăng lữ, tu sĩ, tương đương với “bần tăng” trong tiếng Việt. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.

Sessō (拙僧): âm Hán Việt là “chuyết tăng”, tương tự như Gusō. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.

Midomo (身ども): từ tự xưng của võ sĩ (nam giới) với người đồng đẳng hay vai vế thấp hơn.

Yatsugare (僕), Temae (手前): mang nghĩa là bản thân mình. Hiện tại, trong văn thư thường thấy temae-domo (手前ども) ý nghĩa như kochira. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp thì temae là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.

Kochihito, Kochito (此方人): mang nghĩa đen là “người ở đây”, “người này”. Kochito là biến thể của kochihito. Hai từ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, dùng được cả số ít lẫn số nhiều.

Konata (此方), Kochitora (此方人等): konata mang nghĩa như kochira nhưng mang sắc thái gần gũi về mặt tâm lý hay khoảng cách, chủ yếu được nữ giới trong tầng lớp võ sĩ, công hầu quý tộc sử dụng. Dùng được với cả số ít lẫn số nhiều. Hiện tại cả hai từ này đều không còn dùng, ngoại trừ trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp.

Hỗ trợ học Hán tự

Bài học liên quan

Bài học xem nhiều