Fushimi Inari Taisha, ngõ thời gian

Fushimi Inari Taisha, ngõ thời gian

fushimi inari taisha

Nằm cách cố đô Kyoto khoảng 2km về hướng đông nam, Fushimi Inari Taisha là một trong số những ngôi đền Thần Đạo cổ xưa (thành lập năm 711 dương lịch) và thiêng liêng nhất ở Nhật Bản.

Fushimi Inari Taisha được tôn là ngôi đền Thượng trong hệ thống gồm 40.000 đền thờ thần Inari. Thoạt kỳ thủy, Inari là vị thần của gạo và rượu sa kê, hai đại diện chủ đạo của cả nền văn hóa lẫn ngành mậu dịch của nước Nhật. Rồi thì, trong suốt thời Minh Trị, sự phát triển vượt trội của công nghiệp và sự suy giảm gần như tất yếu của nông nghiệp đã khiến cho vai trò của Inari đổi thành vị thần bảo hộ cho sự thịnh vượng và may mắn của ngành thương mãi.

Vậy là hằng năm, thay vì theo truyền thống nghìn đời, nông dân đến Fushimi Inari Taisha để cầu khấn cho mùa vụ tươi tốt; ngày nay giới doanh nhân từ khắp nước Nhật kéo về đây phúng bái để mong được phù hộ cho việc kinh doanh phát đạt, sung túc. Khi mọi sự mua bán được hanh thông, các chủ doanh nghiệp tạ ơn bằng cách cúng dường hiện kim đủ để dựng nên một cổng Torii (cổng vào của các đền thờ Thần Đạo) làm bằng đá hoa cương hoặc gỗ tùng phủ sơn màu đỏ son. Cứ thế, qua thời gian, Fushimi Inari Taisha không chỉ có vài ba cổng Torii như các đền thờ Thần Đạo khác, mà có đến… 10.000 cổng Torii nhỏ nối tiếp nhau rải thành một đường ống dài khoảng 4km uốn lượn theo triền núi sau đền.

Vô hình chung, một kiệt tác nghệ thuật đã ra đời từ sự thặng dư của nguồn vốn tư bản trong một bối cảnh xã hội nhiều thay đổi ở Nhật, chủ yếu từ quá trình công nghiệp hóa mang lại. Và nếu như ở bất cứ ngôi đền thờ Thần Đạo nào khác, chiếc cổng Torii vốn mang ý nghĩa tượng trưng cho mốc không gian chuyển tiếp giữa thế giới phàm trần và cõi linh thiêng, thì ở đây cổng biến thành “ngõ” – ngõ Torii thành hình trong một thời điểm chuyển giao giữa thế giới kinh doanh và miền tín ngưỡng tôn giáo!

Đi qua dưới cổng Torii của đền thờ Thần Đạo là động thái được xem như thanh tẩy tâm hồn trước khi vào cầu nguyện ở điện chính. Nhưng đi xuyên qua 10.000 cổng Torii lại là một cuộc chu du mang đầy tính ám thị. Người hành hương hay du khách đều như bị thôi miên trong một ngõ son chói cơ hồ kéo dài bất tận, vắt rực rỡ qua rừng xanh núi thẳm, hồ lam ao lục… Nắng tạt xuyên qua khe giữa các Torii, phả lên thân gỗ, hắt lên mặt đất những vệt ánh sáng nhịp nhàng lặp đi lặp lại. Vô số tượng hồ ly – loài vật vốn được xem như sứ giả của thần Inari – nhe nanh bên vệ đồi hay trước các miếu thờ thâm u. Tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió thổi xào xạc qua những rừng tre, rừng tùng. Để rồi, đến giữa đàng, mới nhận ra mình không chỉ là người thưởng ngoạn một lớp cảnh quan được dàn dựng thâm sâu, mà đã trở thành một nhân vật trong vở kịch Noh trầm bước trong ngõ thời gian…

Bài học liên quan

Bài học xem nhiều